Please enable JavaScript to access this page.

Friday, March 13, 2009

Bạn nên chọn gói Codec nào?

Nhu cầu giải trí ngày càng quan trọng, vì thế các thể loại file audio/video hay nói chung là “đa phương tiện” trở nên hết sức phong phú. Nhưng chắc hẳn bạn đã gặp tình trạng download một đoạn video/bản nhạc về, nhưng Windows báo không biết cách mở, hoặc là mở được nhưng chỉ có tiếng không có hình, hay ngược lại? Đó là khi bạn chưa có codec thích hợp để chương trình xem film/nghe nhạc có thể đọc đúng file multimedia đó.
Codec là gì?
Tổng quát, Codec là một thiết bị phần cứng hoặc là một chương trình phần mềm cho phép mã hóa và giải mã các luồng dữ liệu số hoặc là tín hiệu. Codec là từ được kết hợp từ Compressor-Decompressor, hoặc là Coder-Decoder. Về mặt phần cứng, có thể lấy ví dụ chip xử lý âm thanh là một minh họa về codec. Codec phần cứng được thực hiện bằng các mạch điện tử được thiết kế chuyên biệt nên được thực hiện rất nhanh, tuy nhiên lại kém linh hoạt. Bạn chẳng thể sử dụng card âm thanh để xử lý …video được . Còn codec phần mềm được thực hiện bằng “công cụ vạn năng” CPU, nên hết sức mềm dẻo và linh hoạt. Tất nhiên, xử lý bằng phần mềm không thể nhanh bằng phần cứng, nhưng với tốc độ của các CPU hiện nay, hầu như không có loại Codec nào có thể “làm khó” máy tính của bạn.
Tại sao phải sử dụng Codec?
Codec thực tế có nhiều ứng dụng, tuy nhiên, ở đây chúng ta chỉ xét trong lĩnh vực đa phương tiện – multimedia.
Hẳn các bạn cũng đã biết, các file multimedia nguyên gốc rất lớn. Lấy ví dụ về âm thanh. Một file wav (âm thanh chưa nén) chuẩn (lấy mẫu 16-bit ở tần số 44.1Khz) với độ dài khoảng 5 phút sẽ có dung lượng vào khoảng 50MB. Với video, con số này sẽ “khủng khiếp” hơn rất nhiều. Điều này gây ra nhiều khó khăn trong việc lưu trữ cũng như phát hành các file đa phương tiện qua mạng.
Codec chính là giải pháp tuyệt vời cho trường hợp này. Với Codec, bạn có thể thu nhỏ các file multimedia xuống nhiều lần mà chất lượng vẫn giữ nguyên hoặc chỉ suy giảm chút ít. Chẳng hạn, với file âm thanh ở trên, nếu được mã hóa dưới dạng flac (một chuẩn âm thanh) thì dung lượng chỉ còn 20-25MB. Nếu chấp nhận bỏ bớt 1 chút chất lượng âm thanh, có thể dùng định dạng MP3 để thu nhỏ xuống còn 10 MB (với bitrate 320kbps) hay thậm chí hơn nữa…
Để chơi được các file multimedia, player phải thực hiện 2 công việc: đọc được header của file để nhận diện xem đó file đó thuộc loại nào (video/audio), sử dụng chuẩn mã hóa nào(DivX/Xvid,x264 hay Quicktimes,…). Và sau đó là giải mã nội dung thật sự của file để đưa ra trình diễn. Trở lại trường hợp ở đầu bài, nếu chưa có codec thích hợp, player sẽ thể giải mã chính xác được file multimedia, chính vì vậy, bạn có thể không mở được hoặc mở chỉ được hình hoặc tiếng.
Hiện nay, các loại codec multimedia rất phong phú, tuy nhiên, việc cài đặt tất cả chúng là không cần thiết. Bạn sẽ cần các loại codec phổ biến sau để chơi được ít nhất 95% các file mình tải về:
Với video:
CoreAAC (AAC DirectShow Decoder): codec cho phép decode hầu hết các file video hiện có, sử dụng ít tài nguyên CPU nhất tuy nhiên không miễn phí.
FFDShow: miễn phí, mã nguồn mở, có khả năng decode hầu hết các codec hiện có tương tự như CoreAAC, tuy nhiên sử dụng nhiều tài nguyên CPU hơn CoreAAC. Một số ý kiến cho rằng FFDShow cho hình ảnh đẹp hơn so với CoreAAC
[Image]
Với audio:
Các định dạng phổ biến như MP3, WMA đều được hỗ trợ trực tiếp bởi các chương trình chơi nhạc (thường gọi là internal codec), nếu có nhu cầu nghe các định dạng phổ biến hơn như FLAC, APE, bạn có thể bổ sung thêm các codec của Radlight như RadLight APE Filter,…
Cách đơn giản và tốt nhất để bổ sung những codec cần thiết chính là sử dụng gói codec (codec pack) để tiến hành cài hàng loạt các codec vào máy. Chúng tôi sẽ đánh giá những bộ codec pack phổ biến nhất hiện nay, với hi vọng sẽ giúp bạn có cái nhìn tổng quan hơn về phần mềm “không thể thiếu” này.
K-lite Mega Codec Pack và K-lite Codec Pack:
Có thể nói đây chính là 2 bộ codec pack phổ biến nhất hiện nay. Trong khi bản K-lite Codec pack có đến 3 phiên bản (sắp xếp theo thứ tự số codec tăng dần) là  Basic, Standard và Full, thì K-lite Mega chỉ có một phiên bản duy nhất. Thông qua tên gọi chúng ta có thể thấy K-lite Mega Codec Pack chính là “anh cả”, với số lượng codec phong phú nhất.
Tuy nhiên, nhiều chưa hẳn là tốt. Thật vậy, trong số những codec mà phần mềm này cài lên máy bạn, có những thứ bạn hầu như sẽ chẳng dùng đến bao giờ. Thêm nữa, việc chứa quá nhiều codec có thể sẽ gây lỗi đối với các phần mềm đa phương tiện cài đặt trên máy của bạn.  Mặc dù trong quá trình cài đặt, bạn có thể chọn những codec cần thiết, nhưng chắc hẳn sẽ có ít người dùng đủ kiên nhẫn cũng như hiểu biết để có sự lựa chọn hợp lý.
Mỗi khi cài đặt phiên bản mới, K-lite sẽ yêu cầu bạn gỡ bỏ các gói codec khác hiện có, thậm chí là cả phiên bản cũ hơn. Điều này tuy tránh xung đột nhưng đôi khi khá phiền toái cho người sử dụng, nhất là trong một số trường hợp bạn buộc phải khởi động lại máy để các thay đổi có hiệu lực.
Có thể tổng kết các ưu nhược điểm của 2 gói codec này như sau:
Ưu điểm:
-Phổ biến, được cập nhật liên tục. Có nhiều công cụ thú vị, đặc biệt là có sẵn Media Player Classic, một công cụ xem film xuất xắc.
Nhược điểm:
-Phiên bản K-lite Mega chứa quá nhiều codec không cần thiết, trong khi bản thường lại thiếu một số codec quan trọng.
K-Lite Mega Codec Pack hiện có phiên bản mới nhất 4.5.3, dung lượng 18.98 MB, có thể download từ địa chỉ http://www.free-codecs.com/K_Lite_Mega_Codec_Pack_download.htm. Phiên bản thường có dung lượng từ 2.51MB (bản Basic) cho đến 13.51MB (bản Full), download tại http://www.free-codecs.com/K_Lite_Codec_Pack_download.htm
Vista Codec Pack:
Không “ôm đồm” như K-Lite Mega Codec Pack, Vista Codec Pack chỉ chứa những codec quan trọng nhất, đảm bảo máy tính của bạn có thể chơi được hầu hết các định dạng phổ biến mà không sợ bị xung đột giữa các phần mềm Multimedia. Điểm đáng tiếc lớn nhất là VCP không có sẵn Media Player Classic. Mặc dù bạn hoàn toàn có thể download bổ sung, nhưng rõ ràng là sẽ tốt hơn rất nhiều nếu MPC được tích hợp sẵn.
Bạn có thể download phiên bản 5.1.2 mới nhất của Vista Codec Pack tại địa chỉ http://www.free-codecs.com/Vista_Codec_Package_download.htm , dung lượng 16.84MB.
XP Codec Pack
So với K-lite Mega hay Vista Codec thì XP Codec nhỏ gọn hơn nhiều. Tuy nhiên, đây lại là một bộ rất đáng chú ý. Tích hợp những bản codec cần thiết nhất cho máy tính của bạn, đồng thời có sẵn Media Player Classic, XCP là một ứng cử viên “sáng giá” bạn cần một gói codec gọn nhẹ, đầy đủ chức năng. Phiên bản mới nhất của XP Codec Pack là 2.41, download tại địa chỉ: http://www.xpcodecpack.com/dl/XP-Codec-Pack-2.4.5.exe, dung lượng 7.06MB
Đánh giá:
Trong trường hợp bạn thường xuyên download những định dạng video/audio lạ, ít phổ biến, bạn nên dùng K-lite Mega Codec Pack. Còn nếu không, XP Codec Pack tỏ ra thích hợp nhất, do nhỏ gọn và tích hợp sẵn Media Player Classic. Vista Codec Pack cân đối giữa số lượng codec cũng xứng đáng để bạn cân nhắc!
Xã hội thông tin

No comments:

Post a Comment